Scam là gì? Cách nhận biết và phòng tránh scam

Ngày nay, scam trở thành mối nguy hiểm đáng quan tâm bởi chúng ngày càng lan rộng và trở nên phổ biến hơn. Những hình thức scam ngày càng tinh vi, với nhiều mục tiêu khác nhau đã gây nên hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Vậy scam là gì? Làm sao để nhận biết cũng như phòng tránh scam? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Scam là gì?

Scam, có thể được hiểu là ‘lừa đảo’, là thuật ngữ chỉ hành động lừa đảo, gian lận hay mánh khóe để lừa người khác với nhiều mục đích khác nhau, thường là chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp. Scam có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và internet, các hành vi scam trở nên phổ biến hơn, tinh vi hơn và chiêu trò ngày càng đa dạng hơn.

Người thực hiện hành vi scam được gọi là scammer. Chúng không chỉ hoạt động trong phạm vi Việt Nam mà có thể sinh sống ở nước ngoài. Scammer tìm cách đánh cắp thông tin của các nhân và lên kế hoạch lừa đảo để trục lợi.

Các hình thức scam trực tuyến phổ biến hiện nay

Sống trong thời đại thế giới số mang lại cho ta nhiều lợi ích và cơ hội để phát triển, nhưng cũng mang nhiều mối đe dọa tiềm ẩn. Sau đây là một số hình thức scam trực tuyến phổ biến nhất hiện nay:

1.    Phishing scam – Lừa đảo qua mạng

Có thể nói, phishing scam là một trong những loại tội phạm mạng phổ biến nhất hiện nay trên toàn thế giới. Với hình thức phishing scam, tội phạm sẽ giả mạo một tổ chức, cá nhân đáng tin cậy như ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty, nhà tuyển dụng hay các bộ phận hỗ trợ kỹ thuật để đánh cắp thông tin cá nhân như mật khẩu, số thẻ ngân hàng hay mã otp… Sau đó, chúng sử dụng các thông tin này để trộm danh tính, thực hiện đánh cắp tiền, lừa đảo và nhiều hoạt động bất hợp pháp khác.

Phishing scam thường thực hiện qua email, điện thoại rác hay tin nhắn văn bản. Tại một đời điểm, chúng sẽ gửi đến hàng nghìn nạn nhân thay vì nhắm vào một cá nhân cụ thể. Một số người thường nhầm lẫn phishing scam và spam. Trong khi spam chỉ gây phiền toái cho người nhận còn phishing scam có mục đích gây hại.

2.    Crowdfunding scam – Lừa đảo qua gây quỹ cộng đồng

Một số nền tảng gây quỹ cộng đồng trực tuyến cho phép mọi người kêu gọi quyên góp từ bất kỳ ai. Dạng scam này đánh vào lòng tốt của người khác. Mọi người thường gây quỹ cộng đồng với mục đích huy động tiền cho nhiều mục đích khác nhau. Kẻ lừa đảo có thể lợi dụng hình thức này để tạo ra những chiến dịch giả mạo nhằm thu hút và đánh vào lòng tốt của các nhà tài trợ tiềm năng. Sau khi đã nhận được khoản tiền quyên góp đáng kể, chúng sẽ đột ngột cắt đứt mọi liên lạc và biến mất, để lại các nhà tài trợ, nhà hảo tâm với những lời hứa, kế hoạch chưa được thực hiện. Và tất nhiên, họ cũng sẽ không bao giờ nhận lại số tiền họ đã bỏ ra.

3.    Catfishing/ dating scam – Lừa đảo qua hẹn hò

Dating scam là hình thức lừa đảo thường bắt nguồn từ ứng dụng hẹn hò hay các trang mạng xã hội. Kẻ lừa đảo sẽ chọn đối tượng và thu hút họ bằng một tài khoản, hồ sơ giả mạo, với những hình ảnh đẹp, thông tin ấn tượng như là một người giỏi, thành đạt, gia thế khủng…, kèm theo đó là những câu chuyện thuyết phục. Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, chúng sẽ tạo nên một tình huống, tai nạn nào đó như cần đầu tư, thanh toán viện phí… để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cho chúng.

Một vụ dating scam có thể cần thời gian dài từ vài tháng đến hàng năm, liên quan đến nhiều giao dịch để chúng có thể lấy hoàn toàn niềm tin của nạn nhân, khiến nạn nhân bỏ mọi cảnh giác khi trao đổi với chúng.

4.    Work-from-home scam – Lừa đảo qua việc làm tại nhà

Làm việc tại nhà có những lợi ích nổi bật đối với người lao động, có thể kể đến như không gian làm việc linh hoạt, không có quy định về trang phục, thời gian tự do… Vì thế, hình thức làm việc này rất được ưa chuộng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ hay những người muốn kiếm thêm thu nhập bên cạnh công việc chính. Hiểu được điều này, các scammer đã tạo nên hành vi scam mới.

Với hình thức này, nạn nhân sẽ nhận được những lời đề nghị công việc hấp dẫn, việc nhẹ lương cao cùng với những lời hứa cho một tương lai tươi sáng hơn. Bạn được phổ biến công việc linh hoạt thời gian, không cần trình độ chuyên môn hay qua đào tạo. Tuy nhiên, để bắt đầu công việc bạn cần bỏ một số tiền với nhiều mục đích khác nhau, từ phí mua phần mềm độc quyền, phí giữ chỗ vì nhiều ứng viên tham gia… Những kẻ lừa đảo khác có thể lừa bạn rửa tiền, rút tiền từ séc giả, mua hàng từ thẻ tín dụng đánh cắp…